(Thethaovanhoa.vn) - Đào Tăng, người bạn tri âm đã cùng nhà văn Sơn Nam rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe máy cà tàng; chia sẻ một góc phòng để cố nhà văn gõ nhịp trên chiếc máy đánh chữ hằng đêm.
- Tái bản 20 tựa sách nổi tiếng của 'ông già Nam Bộ' Sơn Nam
- Kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam: 'Chết nằm đất nghĩa, vẫn là cố hương'
Từ ngôi nhà người bạn họ Đào, Sơn Nam sáng sáng liêu xiêu bước chân ra Nhà truyền thống Gò Vấp (TP.HCM), rồi sau một ngày đi bộ khắp chốn với bè bạn, tối tối lại thấy “Ông già đi bộ” liêu xiêu bóng đổ quay về nơi tá túc, gõ lách tách từng thanh chữ đến tận khuya.
Từ những ấn tượng, những kỷ niệm sâu sắc còn đọng lại về người bạn vong niên quá cố, nhân 10 năm ngày mất Sơn Nam, tác giả Đào Tăng đã chắp nhặt những mảnh ký ức ấy, vẽ nên qua câu chữ tác phẩm 10 năm vắng bóng liêu xiêu “Ông già đi bộ”.
Qua tác phẩm này, hình ảnh nhà văn khi ăn “tự nhiên tâm” được miêu tả “việc ăn uống còn cốt ở cái tâm và không khí bữa ăn, phải gặp đủ mặt bạn bè, bao kẻ thân thương… Theo ông, gia vị nêm nếm cho bữa ăn uống được thật ngon nào cho bằng “ba nhiên”: Hồn nhiên - tự nhiên - thiên nhiên”.
Hay cái sự ngủ “tự nhiên thành” thật bình dị: “Một giấc ngủ nhạy cảm, chẳng là nệm gấm, giường sang,… thân già trên ghế xích đu cứng như đá ngoài sân vườn. Chữ nghĩa nằm trong trang sách có khuôn khổ, còn văn nhân nằm ngoài đời tạm thu hình đôi ba bước dài hơn trên trang sách khôn cùng”.
Hoặc cái biệt danh dễ thương mà cũng rất “Sơn Nam” chúng ta quen gọi là “Ông già đi bộ”, ta được biết ở cái tính “chỉ thích ngồi lộ thiên trên các xe ôm, xích lô. Xe của giới lao động vui vẻ, dễ tính, lại quá rành cái nết của vị khách hàng thâm niên độc đáo này”. Xe ôm quen ngồi, chân quen đi bộ, còn xế hộp thì “Chỉ độc nhất một người không thích ô tô, đó là Sơn Nam”.
Qua tác phẩm này, lần giở từng trang chữ, từng tấm ảnh ghi dấu bao kỷ niệm, người đọc và cảm nhận đầy đủ hơn chân dung “Ông già đi bộ” mà bao người yêu quý.
Trần Đình Ba
Tags