(Thethaovanhoa.vn) - “Người chết chỉ thật là chết khi nào hoàn toàn không còn sống trong lòng người sống nữa” – câu văn này của Lỗ Tấn và từng được Nguyễn Tuân nhắc lại khi viết “Lời bạt” cho tác phẩm Lũy hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (xuất bản sau khi tác giả qua đời). Tác giả Vang bóng một thời muốn mượn mấy chữ ấy để tiên liệu cho sự tồn tại của bạn mình trong lòng người thân, bạn bè, bạn đọc…
Và câu văn có sức ám ảnh ấy, không hiểu sao lại đến với tôi những ngày này, khi tròn 10 năm ngày mất của nhà văn Trần Hoài Dương (6/5/2011 - 2021)
Vâng, tôi xin được gọi người quá cố bằng anh - mà không phải bằng ông như thông lệ - bởi còn liên quan đến một người thân của nhà văn là chị Trần Ngà, người chị thứ hai trong gia đình mà tác giả Miền xanh thẳm đã dành những trang văn tuyệt đẹp, đầy chất thơ để kí thác tình chị em trong tác phẩm giàu chất tự truyện của mình. Chị Ngà hơn em trai năm tuổi, hơn người viết những dòng này 17 tuổi, nhưng hai chúng tôi vẫn xưng hô chị em với nhau. Tôi muốn nói thêm, cách xưng hô này không phải chỉ về hình thức, mà thực sự bao hàm tình cảm mà chúng tôi dành cho nhau, khi chị coi tôi như em và tôi cũng coi chị như người chị gái của mình.
***
Tôi biết Trần Hoài Dương đã lâu qua các trang viết của anh. Nhưng chỉ đến cuối năm 2010 tôi mới được gặp anh, khi cả hai chúng tôi đều được Giải thưởng sách Việt Nam và cùng tới dự lễ trao giải. Trong khuôn khổ của một sự kiện nặng tính hình thức ấy, chúng tôi đã kịp dành cho nhau mối thiện cảm ban đầu đằm thắm nhất có thể, ít nhất là về phần tôi. Vậy mà chưa đầy nửa năm sau bất ngờ được tin anh đột ngột ra đi, để lại bao tiếc nuối cho người thân, bạn bè - và với riêng tôi là ước muốn giá được kết thân với anh từ sớm hơn.
Tôi biết chị Trần Ngà, chị gái của anh, lần đầu tiên vào mùa hè năm 2017, tại lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập NXB Kim Đồng, khi tôi là “người nhà” và chị là “khách”, đại diện cho gia đình nhà văn Trần Hoài Dương tới dự buổi lễ.
Và từ đó bắt đầu sự gắn bó thắm tình chị em giữa chúng tôi, không chỉ vì chung một tình yêu đối với “Quỳ”, như cách chị gọi em mình, hay “anh Dương”, như cách tôi gọi nhà văn, mà còn vì một cái gì khác nữa, rất chung mà cũng là riêng có của mỗi người. Như sau này tôi hiểu ra, tôi quý chị, ngưỡng mộ chị vì tình yêu thương đặc biệt chị dành cho em trai mình. Còn chị quý tôi, yêu mến tôi vì tình yêu và mối quan tâm thường trực mà tôi luôn có với người cha chẳng may mất sớm của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, khi ông ra đi ở tuổi 48 tính theo dương lịch, và tôi thì mới lên 5.
***
Kể từ cái ngày định mệnh nhà văn Trần Hoài Dương bất ngờ ra đi vào tháng 5 /2011, đến nay vừa tròn 10 năm. Mười năm không phải là dài, xét về thước đo những giá trị tinh thần mà nhiều khi là trường cửu, nhưng cũng không phải ít, nếu nói về những sự thích hay không thích, yêu hay ghét của người đời.
Và như chúng ta đều thấy, 10 năm sau khi Trần Hoài Dương qua đời, tác phẩm của anh vẫn luôn được tìm đọc, các sách của anh vẫn thường xuyên được xuất bản và sự nghiệp văn chương của anh ngày càng gây được mối quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của giới chuyên môn và bạn đọc.
Minh chứng cho điều này có lẽ không gì xác đáng hơn một sự kiện do Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng tổ chức nhân dịp 20 năm ra đời tác phẩm Miền xanh thẳm của anh. Tôi muốn nói đến cuộc tọa đàm diễn ra vào tháng 5 năm 2020 tại Thư viện Hà Nội, đã quy tụ nhiều nhà văn, nhà báo, bạn bè, người thân của nhà văn và đông đảo công chúng yêu thích văn Trần Hoài Dương nói chung, tác phẩm Miền xanh thẳm của anh nói riêng. Thật bất ngờ khi trong số các tham luận gửi tới cuộc tọa đàm, có bài viết của một nữ tiến sĩ mang tiêu đề: “Miền xanh thẳm” của Trần Hoài Dương có thực thẳm xanh?
Giữa âm hưởng chung của cuộc tọa đàm là thương tiếc một nhà văn tài năng suốt đời tâm huyết viết cho thiếu nhi, và sự trân trọng, đánh giá cao tác phẩm vẫn được coi là hay nhất của ông, rõ ràng bài viết với cái tiêu đề đầy thách thức kia (và cả nội dung có chiều mang tinh thần “phản biện”) là một tiếng nói ngược, có thể nói là gây sốc. Thực tế, cả hội trường đã lặng đi vì bất ngờ khi nghe người dẫn chương trình giới thiệu qua về bài viết và mời tác giả lên trình bày tham luận của mình. Vô hình trung, bản tham luận đã khơi mào cho một loạt ý kiến trao đổi lại, qua đó càng chỉ ra những giá trị bền vững, đích thực của Miền xanh thẳm, một tác phẩm xứng đáng đứng vào hàng những cuốn tự truyện hay nhất của văn học Việt Nam, bên cạnh Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Cỏ dại của Tô Hoài, Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán, v.v.
***
Sự nghiệp văn chương của Trần Hoài Dương rõ ràng đã có được sức sống tự thân, không cần đến một sự “đánh bóng mạ kền” nào (xin mượn chữ dùng của nhà văn Kim Lân) để thêm hào nhoáng, cũng như không dễ gì bị phương hại do một ý kiến trái chiều nào. Nhưng nói thế không có nghĩa ông đã là một “di tích lịch sử được xếp hạng”, không cần được chăm lo, bồi đắp gì thêm. Trong thực tế, tôi biết có không ít gia đình nhà văn, nhà nghệ sĩ lớn coi sự nghiệp của người thân mình là quá hiển nhiên rồi, không cần gì phải bận tâm đến nữa. Nghĩ thế không sai, nhưng chưa hẳn đã là thỏa đáng - khi cuộc sống với tất cả mọi biểu hiện của nó, trong đó có đời sống văn học nghệ thuật, luôn là một sự bồi đắp, vun trồng trong tiến trình đi tới.
Tôi muốn nói đến chị Trần Ngà, người chị gái đáng kính của nhà văn Trần Hoài Dương.
Suốt từ khi tôi biết chị, nghĩa là từ lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập NXB Kim Đồng (tháng 6-2017) đến nay, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chị mà không nhớ tới nhà văn Trần Hoài Dương, cũng như nghĩ đến tác giả Miền xanh thẳm mà không nhớ tới người chị gái của anh. Vì sao thì tôi không thể nào lí giải được, nhưng quả đúng là như vậy. Bất cứ việc gì có liên quan hoặc có thể làm được cho “Quỳ”– xin được dùng chính cách gọi của chị – chị đều làm như một sự tự nhiên, với cả tấm lòng mình.
Ví dụ năm 2015, chị đã đứng ra tổ chức xuất bản cuốn Trần Hoài Dương - con người, tác phẩm dày tới 830 trang khổ lớn (Nhân dịp gì thì tôi không rõ – bấy giờ tôi còn chưa kết thân với chị, nhưng được biết chị đã tự mình lo liệu, gánh vác để có sách tặng bạn bè, người thân của nhà văn...). Hay như cuộc tọa đàm về tác phẩm Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương hồi tháng 5/2020 như tôi đã kể, cũng chính từ sự đau đáu của chị mà đã thành ý tưởng để Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đứng ra tổ chức.
Và ngay trong tháng 5 này thôi, chị lại đứng ra lo tổ chức giỗ em lần thứ 10. Dù là trong phạm vi gia đình thì chị vẫn muốn mời các bạn thân của nhà văn và bạn bè của gia đình cùng có mặt để tưởng nhớ em trai mình. Và thế là chị lại bấm máy cho từng người, nói lí do, ngỏ lời mời, hẹn ngày giờ, địa điểm và xe đón (vâng, chị chu đáo lo cả xe đưa đón mọi người, như tính chị xưa nay vẫn thế!)…
***
Khó có thể kể hết những gì chị làm cho em trai hay “vì Quỳ”, như lời của chị, nhưng tôi dám chắc trong mọi ý nghĩ, việc làm của chị, chị luôn dành sẵn một cõi cho em mình. Ở đây, theo như tôi nghĩ, không phải là một “ý thức trách nhiệm” hay bổn phận gì của người chị đối với em, hay của người sống đối với người đã khuất, mà chỉ đơn giản là một sự thôi thúc bên trong, hay bản năng, như ta có thể nói.
- Xuất bản di cảo của nhà văn Trần Hoài Dương
- Nhà văn Trần Hoài Dương: Một thế giới trong ngần còn mãi
- Nhà văn Trần Hoài Dương: Văn thơ mộng, đời khổ tâm
Hay theo một cách nghĩ tâm linh, sự đau đáu của chị với em trai là một cơ duyên, một sự trời phú, tự hình thành nên trong chị. Nó là lí do để chị hiến mình, là động lực giúp chị vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để làm được điều gì đó cho em mình. Và ơn giời, nó cũng giúp chị có thêm ý chí để thắng được, nói trộm vía, gánh nặng của tuổi tác.
Tôi biết lắm suốt hai năm nay, chị bị đau triền miên, đau đến mức phải thốt lên sao mình lại bị khổ đến mức này, điều mà bản lĩnh người lính của chị thường vẫn nén được. Nhưng cứ gần đến lúc vào việc – năm ngoái là tổ chức tọa đàm Miền xanh thẳm vào tháng 6 và năm nay là kỉ niệm 10 năm ngày mất nhà văn vào tháng 5 – chị lại như được phép màu hay thần dược để rũ sạch mọi chứng đau, để lại đứng ra lo toan gánh vác.
Không, ở đây chẳng có phép màu hay thần dược gì đâu, mà chỉ có tình chị dành cho em làm nên điều kì diệu ấy. Để cho “miền xanh thẳm” mãi xanh mà neo giữ người ra đi và làm mát lòng người ở lại...
Nguyễn Huy Thắng
Tags